Sau Khi Chết (APRèS LA MORT)
Tác giả: Léon Denis Société Théosophique Adyar, 4 Square Rapp. Paris 7e
Từ lâu người ta đã nhận thấy rằng thế giới càng tiến trên đường vật chất thì càng xa tôn giáo, tín ngưỡng càng giảm, và lòng hoài nghi. Chủ nghĩa duy vật càng tăng, cho rằng đời người đến chết là hết, không biết còn đi tới đâu, tương lai mù mịt. Theo lời tác giả thì nhiều nhà học giả đã cố công tìm hiểu, và với một phương pháp mới "mà họ cũng gọi là khoa học, vì căn cứ vào những sự có thực" là khoa thôi-miên (magnétisme, hypnotisme), họ đã đi sâu vào bên kia cửa tử và biết được bí mật của Tạo-Hóa, những luật thiên nhiên, mà họ gọi là giáo lý huyền bí (la doctrine secréte)
Những điều họ đã nhận thấy được tóm tắt như sau đây:
Ðời sống chỉ là sự tiến triển, trong thời gian và không gian, còn tâm linh (esprit), nó là sự thật vĩnh cửu duy nhất. Như thế tôn giáo đích thực, tức là đúng nghĩa tôn giáo, phải đứng trên và bao gồm tất cả các tính ngưỡng, vì sự thật là cao hơn hết.
Thượng Ðế là cha chung tất cả, chính là cái nguồn của sự sống. Thượng Ðế là vô-cùng-tận mà không thể tượng hình, nghĩa là coi như tách ra khỏi thế giới, đứng riêng biệt ra ngoài. Ðiều tai hại của tín ngưỡng là tạo ra quan niệm một Thượng Ðế có hình dáng như người và đứng ngoài thế giới hữu hình. Theo quan niệm mới cao hơn, thì Thượng Ðế tự tại khắp nơi, hiện hữu trong tất cả mọi vật, là một đại thể bao gồm tất cả các thể vật.
Ðại thể tối thượng không đứng ra ngoài thế giới, mà cũng không ở trong thế giới. Ðó là trung tâm duy nhất ban bố và điều hòa tất cả các mối tương-quan, là nguyên tắc sự liên hệ và tình thương huynh đệ của tất cả vạn vật.
Vũ-trụ không phải đột nhiên từ hư-không tạo thành, theo như các tôn giáo, mà là một cơ thể vĩ đại và vĩnh viễn, vô thủy vô chung, bao giờ cũng có. Trong vũ trụ có nguyên tắc mảnh lực và động lực, lại có mục đích. Mọi vật biến hóa và tiến triển cho vòng sinh tử bất tận, nhưng không có gì tiêu diệt. Trong khi trên trời, có những mặt trời tối đi và tắt, những thế giới già cỗi tan biến, thì ở nơi khác, có những hệ thống mới được tạo thành, với những ngôi sao sáng rực, những thế giới nẩy sinh.
Công cuộc vĩ đại diển tiến qua thời gian vô tận và không gian vô biên, do sự chung sức của vạn vật liên hệ với nhau và lợi ích cho nhau. Một nguyên tắc bất di bất dịch ngự trị trên công cuộc đó, là sự duy nhất của Vũ-trụ, nó bao gồm và điều hòa tất cả các hoạt động riêng rẽ nhưng cùng một mục đích là sự toàn thiện.
Linh hồn không bao giờ tiêu diệt. Nó là nguyên tắc của đời sống, nguyên do của cảm giác. Nó là một sức mạnh vô hình, ngự trị trên phủ tạng chúng ta và điều hòa tất cả bộ phận trong người.
Mỗi đời sống của chúng ta trên thế gian là một giai đoạn của đời sống vĩnh cửu. Luật luân hồi đã được chứng minh trong giấc ngủ thôi-miên, những người bị thôi miên đã nói ra những sự việc ghi sâu trong tiềm thức họ trong những đời đã qua, mà trí nhớ của con người lúc tỉnh không đạt tới được.
Mục đích tối cao là sự toàn thiện, con đường đi tới đó là sự tiến hóa. Số phận mỗi người trong chúng ta điều như nhau, không có người hơn kẻ kém, duy có con đường đi là khác nhau, người đi nhanh kẻ đi chậm. Do đó, những linh hồn chỉ khác nhau về trình độ tiến hóa.
Không có thiên đường cũng không có địa ngục. Không có quan tòa nào buộc tội chúng ta, ngoài chính lương-tri của ta. Khi lương-tri thoát ly khỏi xác thân vật chất thì trở thành sáng suốt, và luật nhân quả là tuyệt đối, bất di bất dịch. Ðời sống hiện tại là cái kết quả của những đời trước, khi linh hồn chuyển sang một xác thân khác thì đem theo hậu quả của cái hành vi tốt hay xấu đã làm qua.
Nhưng linh hồn không phải là bị trói buộc mãi mãi vào trái đất tối tăm nầy. Khi đã tiến hóa, sẽ thăng lên những thế giới sáng hơn, rồi cứ như thế tiến mãi để đi đến hòa đồng với vũ trụ và thực hiện ý muốn của Thượng Ðế.
Mỗi linh hồn là một tàn lửa của lò Tạo Hóa, nó mang trong mình nó tất cả luật của thiên nhiên. Nó là một thế giới riêng biệt, có đủ các tiềm năng. Nó càng tiến tới trong sạch thì tiềm năng càng xuất hiện, rồi dần dần đạt tới mức độ tối cao.
Trong bước tiến, linh hồn phải phấn đấu, phải hy sinh, phải gian khổ. Gian khổ là cần thiết cho tiến hóa. Nó dạy cho chúng ta hiểu biết hơn, cho chúng ta biết đè nén những tham vọng, cho chúng ta biết yêu thương người khác. Tất cả đau khổ trên đời chung sức lại để đưa chúng ta đến chổ toàn thiện.
Xem đấy thì cái chết không đáng sợ, nó chỉ là một sự chuyển tiếp, một sự đổi mới, vì thực ra không có ai chết, mà là một sự thay đổi hình thức bên ngoài, mà nguyên tắc của sự sống là linh hồn vẫn tồn tại mãi mãi, không bao giờ mất. Nó giữ được tất cả bản năng của nó, và tất cả những đức tính nó đã bồi đắp được trải qua nhiều đời liên tiếp. Ðó là kho tàng quý giá mà chúng ta có thể đem theo để hữu ích cho ta trong đời sắp tới.
Trên đây là tóm lược những điều mà các học-giả đã nhận thấy nhờ phương pháp thôi-miên. Các học-giả bắt đầu để ý tìm hiểu các hiện tượng huyền bí từ hơn 100 năm: Hoa kỳ 1848, Anh 1869, Pháp 1887, rồi Ý, Tây-Ban-Nha. Ðại hội tâm linh thế giới năm 1889 và 1900 đã đồng thanh xác định sự tin tưởng vào những nguyên-tắc và sự việc như sau.
- Có Thượng Ðế, là sự sáng suốt tối thượng, là nguyên nhân của vạn vật.
- Trên nhiều thế-giới có đời sống.
- Linh hồn bất diệt, những đời sống của xác thân nối tiếp nhau trên địa cầu và nhiều tinh cầu khác trong không gian
- Sự giao tiếp bằng thôi-miên qua trung gian của con đồng (médium) với các tâm linh đã chứng tỏ rằng hồn người ta vẫn còn tồn tại.
- Tình trạng sướng hay khổ của đời sống thế gian tùy thuộc vào những hành vi quá khứ, đức tính và trình độ tiến hóa của linh hồn.
- Linh hồn tiến hóa vô cùng.
- Sự liên hệ và tình huynh đệ có luôn luôn trong vũ trụ.
Những con đồng làm trung gian để tiếp xúc với các tâm linh trong thế giới vô hình, là những người nhậy cảm, dễ cảm ứng với cõi vô hình. Thầy thôi-miên dùng quyền lực khiến cho hồn vía con đồng thoát ra khỏi xác, như thế một tâm linh, là một linh hồn đã thoát xác có thể điều khiển cơ thể con đồng và nhờ đó tiếp xúc được với trần gian. Có khi con đồng chỉ bị cánh tay dường như tê đi và bị một sức mạnh vô hình đưa đẩy viết ra thành chữ (như tại Việt Nam xưa kia vẫn có, là những người phụ bút Thánh, cầm bút bằng gỗ viết chữ lên mâm đồng).
Huyền-bí học bắt buộc phải có nhiều khôn ngoan và kiên nhẫn. Trong đám đông vô hình vây quanh chúng ta những linh hồn cao thượng thì ít, họ thường ở những nơi thanh nhẹ, chỉ xuất hiện khi nào cần giúp đở cho sự tăng tiến của chúng ta và chỉ giao tiếp với những người có tâm ý trong sạch. Còn đại đa số cũng như ở cỏi trần, là những linh hồn thấp kém, còn thiết tha đến vật chất, nên quanh quẩn gần đám người trong đời sống thể xác. Họ ảnh hưởng đến những người tâm hồn yếu ớt, có khi thúc đẩy người nầy làm những sự dại-dột. Cho nên cần phải rất dè-dặt trong việc tiếp xúc với thế giới vô hình.
Các nhà học giả đã nhận thấy rằng mỗi người chúng ta đều có ba phần:
1- Xác thân, là cái vỏ vật chất tạm thời, bỏ lại khi chết như một cái áo cũ rách.
2- Vía (périsprit), là cái vỏ dịch thể, mắt phàm không thấy được, nó theo linh hồn trên đường tiến hóa và cũng thanh lọc như hồn. Nó là một thể thanh nhẹ như éther, có hình dáng của thể xác bao bọc lấy linh hồn, nó như là sợi dây liên lạc giữa xác với hồn. Thể xác của ta (theo Phật học là thân tứ đại: đất, nước, lửa, gió) luôn luôn đổi mới do các chất đem vào cơ-thể và bài tiết ra. Nhờ có vía ta mới giữ được tính chất vững bền, từ trẻ đến già, xác thân có thay đổi mà ta vẫn là ta, nó tựa như cái khuôn mà thể xác đóng vào.
3- Linh hồn, là tính chất thông minh, trung tâm sức mạnh nguồn gốc của lương-tri và bản tính.
Ba phần ấy: vật chất, dịch thể và thông minh, hợp lại thành đời sống, là căn bản tạo nên vũ trụ. Mỗi người là một tiểu vũ-trụ, cũng đủ khả năng và định luật của đại vũ-trụ. Vậy nếu chúng ta hiểu hoàn toàn được chính mình, thì cũng hiểu được những luật cao cả của vũ-trụ. Những nhà học giả đã cố tìm hiểu nhưng vẫn chưa hiểu được hoàn toàn con người.
Linh hồn thoát ra khỏi thể xác vật chất và khoác cái vỏ thanh nhẹ, đó là tâm linh (esprit), tính chất dịch thể, hình dáng người nhưng không lệ thuộc vào những sự câu thúc trần gian, không trông thấy được, không đụng chạm được. Tâm linh là một người đã lìa khỏi xác thịt và đi vào không gian, rồi sẽ lại sinh ra ở một đời vật chất khác, bắt đầu lại cuộc tranh đấu để sinh tồn, cuộc tranh đấu cần thiết cho sự tiến hóa.
Những điều trình bày, theo lời tác giả, không phải là do sự tưởng tượng hoặc suy luận hoặc đoán phỏng, mà chính là do những phiên tiếp xúc rất nhiều với các tâm linh.
Sau đây là những trạng thái từ khi bước qua cửa tử.
Những cảm giác trước và ngay sau khi tắt nghỉ rất là phức tạp và tùy theo tính tình, đức hạnh và trình độ của tâm linh. Cảm giác càng nặng nề và sự lìa bỏ càng dai-dẳng, khi những sợi dây ràng buộc vía với xác thân càng mạnh và càng nhiều. Tức là những người còn luyến tiếc đời nhiều, từ trước chỉ biết hưởng thụ vật chất, và những người tội lỗi thấm nhuần nhiều trược khí. Nhiều người còn tưởng vẫn tiếp tục đời sống xác thân rất lâu sau khi chết, vẫn giữ thói quen cũ và cảm giác như khi còn sống. Cũng có những tâm linh thấp kém, thấy mình ở trong đêm tối dày đặc, hoàn toàn cô đơn, sợ hãi vô cùng. Những tội phạm luôn luôn bị dày vò bởi hình ảnh những nạn nhân của họ.Những người thiếu đức tin, cho rằng chết là hết đến giờ lâm chung rất là sợ hãi, cố bám một cách tuyệt vọng vào sự sống nó lìa xa dần, họ tưởng như là bị rơi vào vực thẳm.
Còn những người đã làm xong phận sự, đã phấn đấu và gian khổ nhiều, lòng không còn tha thiết đến trần tục và tin tưởng ở tương lai, thì cái chết là giải thoát, sự lìa bỏ rất nhanh chóng nhẹ nhàng như một giấc ngủ êm-ái, tiếp theo là bừng tỉnh khoan khoái. Dần dần một ánh sáng tràn ngập, không chói như ánh sáng mặt trời, mà là ánh sáng dịu-dàng tràn lan khắp cả, thắm nhuần vào tâm linh khiến cho có cảm giác vui mừng sung sướng. Rồi tách ra khỏi những người khóc lóc quanh xác chết, thấy mình bay bổng lên cao, gặp những người thân thuộc xưa kia đến chào đón. Từ đấy tâm linh sẽ bay lên những tầng trên tùy theo trình độ thanh khiết. Lo âu đã hết, hoan lạc bắt đầu.
Ða số là những người không có tội nặng nhưng cũng không có đức cao lúc đầu ở trong tình trạng sợ hãi, lại vẫn còn đau khổ và khóc lóc với những người thân trong đời đã qua. Lâu dần những tâm linh khác đến khuyên nhủ, khiến cho trút bỏ những dây ràng buộc với trần gian và thăng lên nơi sáng sủa hơn.
Thường thường hồn lìa xác bớt đau khổ hơn sau một thời gian dài bệnh hoạn. Những cái chết đột ngột, mạnh bạo, xẩy ra trong khi cơ thể đương đầy sinh lực, làm cho hồn đau đớn như bị xé ra và ở trong tình trạng động loạn kéo dài. Những người tự sát có những cảm giác khủng khiếp, trong nhiều năm họ còn cảm thấy nỗi thống khổ trong giờ chót, và thất vọng sợ hãi khi nhận ra rằng họ chỉ đổi khổ não nọ lấy khổ não kia gay gắt hơn nhiều.
Những linh hồn được xếp đặt trong không gian theo một định luật rất đơn giản. Vía càng thanh nhẹ thì khi lìa khỏi xác thân càng nhanh chóng và sẽ bay lên tầng càng cao, nơi có những vía khác cũng thanh nhẹ như mình.. Có thể so sánh những tâm linh trên các tầng trời như những quả bóng thổi phồng bằng chất khí nặng nhẹ khác nhau, bay lên độ cao khác nhau. Tâm linh không phải ở yên một chỗ, tự do di chuyển và có thể tiến cao hơn được. Còn những tâm linh nặng trược thì phải ở những tầng thấp kém.
Như thế mỗi tâm linh tự xét thưởng phạt lấy mình, là quan tòa của chính mình. Khi đã lìa khỏi cái vỏ vật chất, thì tự nhiên sáng suốt, kiểm điểm lại hành vi của mình, cân nhắc việc thiện việc ác, đó là giờ phút cực kỳ đau khổ. Trình độ thanh khiết, vị trí trong không gian, là kết quả những tiến bộ và quyết định phẩm giá của tâm linh. Ðó là bản án không thể sai lầm, không thể cưỡng lại. Không có tòa án,không có xét xử, chỉ là cái luật bất di bất dịch, tự động thi hành. Tất cả những hành vi và ý nghĩ đều phản chiếu vào một tấm gương và tự động ghi khắc vào cái võ dịch thể của chúng ta như là một cuốn sổ. Trong thời sống thì cuốn sổ ấy đóng vì thân xác vật chất nặng trược, nhưng khi chết thì sổ ấy dần dần mở ra.
Vậy nên tâm linh khi thoát xác, mang trong mình nó thiên đường hoặc địa ngục. Kẻ làm điều ác, tưởng rằng không ai biết việc mình làm, nhưng lúc nầy bao nhiêu điều ác đều bày lộ ra. Người sống còn có việc làm, việc học, giấc ngủ, làm cho khuây khỏa, người chết không còn những ưu điểm ấy nữa, hình ảnh quá khứ luôn luôn bày ra trước mặt. Lòng ăn-năn cay đắng không ngừng khiến cho những tâm linh ấy mong sớm trở lại thế gian để chịu đau khổ để chuộc lại quá khứ.
Tâm linh tiến hóa cao có một đời sống rất hoạt động, song không mệt nhọc. Không có vấn đề không gian, ý muốn đến đâu là đến tức thì. Những tâm linh ấy rất thanh nhẹ, đến độ những tâm linh thấp kém không thể trông thấy. Trông, nghe, cảm không còn phải bằng bộ phận vật chất như chúng ta, nhưng trực tiếp vì thế họ sáng suốt hơn chúng ta nhiều.
Tâm linh tiến hóa cao không còn nhu cầu vật chất, cũng không còn phiền não. Trái lại tâm linh thấp vẫn còn mang theo những thói quen, nhu cầu, vẫn thiết tha vật chất, vì không lên cao được, họ chia xẻ cuộc đời với người sống, lẫn lộn vào công việc và thú vui của những người nầy. Những tham vọng, thèm thuồng, luôn luôn thức tỉnh, càng bị kích thích vì tiếp xúc với người sống mà không thỏa mãn được, đau khổ càng nhiều.
Linh hồn đạo đức, sau khi đã thắng được tham vọng, đã lìa bỏ xác thân tàn phế, cái xác thân đã từng quá đau khổ lẫn vinh quang, nay bay lên không gian vô tận. Do một sức mạnh vô hình thúc đẩy, nó bay qua những vùng mà mọi vật đều hòa dịu và rực-rỡ, có cảm giác nhẹ nhàng sung sướng, trần gian không có lời nào tả được. Không còn là cái thân nặng nề, như ngục tù tối tăm, nay là cái thân dịch thể, hoàn toàn tự do, không gì trở ngại.
Tuy nhiên, những tâm linh nầy cũng sẽ đầu thai trở lại thân hình xác thịt, hoặc ở thế giới nầy, hoặc ở thế giới khác, để tiến, tiến mãi. Trên những thế giới cao hơn, đời sống sẽ lâu dài hơn và sung sướng hơn, không có những nhu-cầu vật chất như ở đây. Ðến khi tâm linh đã trãi qua đời sống trên các tầng cao, thì sẽ thoát khỏi luân hồi, bấy giờ là đời sống yên tỉnh, trong sạch, vĩnh cửu, đoạn tuyệt phiền não. Rồi tiến lên mãi, lên mãi đến thượng đỉnh. Chỉ có những tâm linh tiến hóa cao tột bực mới chịu nổi ánh sáng mãnh liệt của Thượng Ðế.
Muốn được thăng lên những tầng cao, thì trước hết phải lìa bỏ những tham vọng, thèm thuồng, phải đạt được những đức tính dịu-dàng, nhẫn nại, tin tưởng, phải chịu khổ không phàn-nàn, khóc trong thầm lặng, coi nhẹ của cải và lạc thú giả tạm của thế gian, đặt hết tâm tư vào việc thiện. Phải chịu đau đớn, thiếu thốn, nhục nhằn, cô đơn, phiền muộn, phải chịu ngậm đắng nuốt cay. Vì chỉ có cái khổ nó mới làm nẩy nở sức mạnh hùng dũng của linh hồn, nó rèn đúc linh hồn để phấn đấu để được thanh khiết, để thăng tiến lên đời sống cực lạc. Hãy trả lại trái đất tất cả những gì thuộc trái đất, hãy hướng lên những kho tàng vĩnh cửu, hãy làm tròn phận sự, dù có phải hy sinh, phải chết. Hãy ban ra tình thương, tình thương vô cùng tận. Ðó là gieo mầm cho lạc thú tương lai.